ONE REQUEST – To the younger generation

Please

When speaking the languages of foreign lands

Don’t forget the words of your mother tongue

And when witnessing their countries’s opulence

Do remember the difficulties in your fatherland

Please

When living peacefully on firm land

Don’t forget those suffering at high seas

And in a safe harbour after a calm boat voyage

Do remember those tossed by winds and waves

Please

At places with cold and freezing climes

Don’t forget that over there in our old country

We did have a resplendent sun

Coursing inside our blood lines

Please

While marching on the Freedom Road

Under the banner of Democracy

With banderols holden high

Do shout at the top of your lungs

On behalf of those with silenced voices

Please

Do remember and bear in mind

That these to-day’s tightly closed hands

Are caused by the losses of yesterday

For the sake of tomorrov’s back gains

       TRANG CHÂU

( Bản dịch của BS Đặng Vũ Vương )

Posted in Montreal, PQ, Tho / Poetry | Tagged , , , , | Leave a comment

MỘT LỜI XIN – Gởi thế hệ trẻ

Xin em

khi nói tiếng xứ người

đừng quên lời xứ mẹ

nhìn giàu sang quê họ

nhớ cảnh khó quê cha.

Xin em

khi sống ở đất hiền

đừng quên người biển khổ

trên thuyền yên bến đỗ

hãy nhớ kẻ phong ba.

Xin em

nơi thời đông tiết giá

đừng quên chúng ta có mặt trời

rực rỡ trên quê hương

trong  giòng máu..

Xin em

bước trên đường Tự Do

dưới màu cờ Dân Chủ

em hãy cầm biểu ngữ

và hét thật to

thay những người bị câm tiếng.

Xin em

hãy nhớ và hãy nhớ

những bàn tay siết chặt hôm nay

là bởi những gì hôm qua đã mất

 và cho những gì sẽ thấy lại ở ngày mai.

    TRANG CHÂU

Posted in Montreal, PQ, Tho / Poetry | Tagged , , , , | Leave a comment

Qua Tùy Bút Ngòi Viết Lang Thang của Phan Ni Tấn

Huỳnh công ánh

            Vượt tù, vượt biển

 

Ngày 28-3-1985, trong kỳ Đại hội Ca nhạc Đấu tranh tại thủ đô Washington D.C nhằm yểm  trợ công cuộc bài trừ hải tặc và bảo vệ thuyền nhân, có sự góp mặt của ca nhạc sĩ Hà Thúc Sinh, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng , Châu Đình An, Huỳnh Công Ánh và Phan Ni Tấn.  Những người bạn này tôi đều quen biết, riêng Huỳnh Công Ánh, lần đầu tiên tôi mới  gặp mặt.  Từ đó, Huỳnh Công Ánh và tôi thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, hát với nhau những ca khúc đấu tranh trên cùng một sân khấu.

Năm 1986, qua bài viết xuất sắc của nhà thơ Cao Đông Khánh về cuộc vượt ngục ly kỳ của nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh làm nhiều bạn tù xôn xao, riêng tôi cảm phục anh hơn.

Huỳnh Công Ánh là nhà thơ kiêm nhạc sĩ đấu tranh.  Thơ về tình yêu của Huỳnh Công Ánh khác biệt với ý thức đấu tranh trong âm nhạc của anh.  Về nghệ thuật âm nhạc, chữ nghĩa của nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh khi hát lên người ta nghe như tiếng gọi bi tráng bắt đầu từ những ca khúc do anh sáng tác khởi đi từ trong tù.

Miền Nam Việt Nam sụp đổ vào cuối tháng Tư 1975.  Hàng triệu người bỏ nước ra đi, trong khi các giới chức “ ngụy quân, ngụy quyền” lại đi ngược vào trong các trại tù “cải tạo”.  Trải qua nhiều năm tháng trong lao lung u uất, lúc nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn.  Dù sao cũng có người may mắn được thả về, có người đi không bao giờ trở lại.  Người về để lại dấu chân ươm vết máu, trong khi người ởi lại không may trở thành phân bón cho giải đất hoang vu, còm cõi trên quê hương của mình.  Nhạc Huỳnh Công Ánh xuất hiện trong bối cảnh đó.  Những người bạn tù trong trại “cải tạo” đã được nghe những bài hát của anh như một lời tâm nguyện,  một niềm cảm xúc can đảm trước bạo lực, một loại nghệ thuật của đam mê, một tâm thức sáng tạo bắt nguồn từ một trái tim bi thảm biết hát.  Lời ca tiếng nhạc phơi trãi tâm trạng tù binh miền Nam sau chiến tranh như một chứng từ nhằm tố cáo chế độ bạo quyền Cộng sản khát máu.

Ca khúc Vì Đâu Anh Buông Súng, sáng tác đầu tiên trong tù của Huỳnh Công Ánh là một câu hỏi đầy bi phẫn:

Vì đâu anh buông súng? Chẳng phải vì anh người chiến bại trước kẻ thù.  Ngoài chiến trường xa đang còn say đánh giặc.  Chợt lệnh buông hàng, lệnh tủi nhục ngàn thu.

Vì đâu anh buông súng?  Lúc mà lòng anh là viên đạn đã lên nòng.  Họng súng tự do đang còn loang máu giặc…

Cứ thế, những bài ca tranh đấu trong tù lần lượt ra đời:  Khúc Quanh Lịch Sử, Vùng Lên, Khi Anh Về, Tiếng Mẹ Gọi…

Huỳnh Công Ánh là một nghệ sĩ tài hoa, một người tù tiết tháo.  Trong ca khúc Người Tù Khổ Sai Không Bản Án, lời ca khắc họa một hình ảnh văn học thời hậu chiến, đẹp mà buồn:

Tôi là người tù khổ sai không bản án.  Đã bao năm qua trong cay đắng nhọc nhằn.  Đêm từng đêm trăm nghìn giọt ăn năn.  Về đào xoáy từng vũng hồn chai đá…

Mỗi độ xuân về, giữa muôn hoa đua nỡ, chim xanh đua hót có tiếng người ca ngợi mùa xuân nơi địa đầu giới tuyến:

Nơi tuyến đầu ngăn giặc ngoại xâm.  Anh đứng giữa rừng sâu mai vàng đua nở.  Nỗi rung động khua đều trong nhịp thở.  Em ơi, đất nước mình có phải đều là xuân…

Từ trong lao lý âm u, những bài ca quật khởi của Huỳnh Công Ánh gợi lên ý chí can trường nối kết những tấm lòng trong đêm tối đòi lại bình minh.

Nhạc Huỳnh Công Ánh, tự nó là một bản hợp xướng nặng về tình tự dân tộc.  Đành rằng có những bài được diễn tả bằng những nét chấm phá nhẹ nhàng, trầm lắng nhưng làm người nghe dao động, ray rứt vì lời ca rất sắc về ý thức chính trị.  Nghe nhạc của Huỳnh Công Ánh do chính tác giả hát với cây đàn guitar giản dị, tôi nhận thấy sự hòa trộn giữa chiến tranh và ngục tù đã luồn vào trong máu anh lòng đam mê nhiệt tình trong âm nhạc.  Vẫn một giọng ca trầm thống, một cốt cách, một phong thái, Huỳnh Công Ánh coi âm nhạc như một người bạn cùng chí hướng đấu tranh cho tự do, dân chủ, hoà bình.

Đọc hồi ký Vượt Tù, Vượt Biển của Huỳnh Công Ánh, tôi lại nhớ những năm tháng trong tù “cải tạo” của tôi trên núi rừng cao nguyên lạnh giá.  Mặc dù chúng, những người lính Việt Nam Cộng Hòa cùng đi tù Cộng sản, cùng vượt ngục, vượt biển, nhưng so với cuộc đời tù của Huỳnh Công Ánh thì tù binh như tôi còn may mắn hơn nhiều.

Tôi đi tù suốt hai năm chỉ quanh quẩn trong một trại tù nằm sâu trong một đồn điền cũ của người Pháp ở miệt Tây Bắc Trường Sơn, rồi vượt ngục, trong khi Huỳnh Công Ánh đi tù trải dài từ Nam ra Bắc suốt sáu năm mới vượt tù.

Đoạn viết về cuộc vượt ngục của Huỳnh Công Ánh trong tập hồi ký này, người đọc cảm thấy vừa thú vị vừa hồi hộp, lo âu cho cái kiểu trốn trại hoàn toàn không giống ai của anh.  Sau ngày mất nước, Huỳnh Công Ánh ra trình diện học tập dưới hình thù của một cựu Đại Úy Sư đoàn 22 Bộ binh, nhưng lúc trốn khỏi trại tù Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh thì Năm Nhớt (tên trong tù của Huỳnh Công Ánh) lại trá hình thành người lính bộ đội Bắc Việt trong bộ đồ xanh màu cứt ngựa, với nón cối, dép râu và đeo sắc-cốt (sacoche) kè kè bên hông.

Cộng sản thống trị đất nước bằng bạo lực vô thần.  Sự dối trá đã trở thành nếp sống quá quen thuộc của cái gọi là xã hội chủ nghĩa, cho nên dưới chế độ sắt máu, từ quan quyền đến dân đen đều không tin nhau, luôn luôn cảnh giác, đề phòng, thủ thế trước đối phương.  Vậy mà trong thời gian toan tính vượt tù đó, trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm đó, có hai nhân vật:  Trần Thị Hoa, cô gái Hà Tĩnh đã hết lòng cung ứng tất cả những gì Huỳnh Công Ánh cần, và Nguyễn Đình Chiến, người tù hình sự đã tận tình giúp đỡ Huỳnh Công Ánh trốn trại.  Điều này nói lên tính nhân bản giữa người với người, không chỉ sống cho mình, mà còn biết sống, biết giúp đỡ và hy sinh cho người khác.

Ở đoạn này, trang 137, Huỳnh Công Ánh viết rất hay, thật thấm thía vì nhân đạo:

Tôi trân quý vô cùng sự hy sinh thầm lặng của cô Hoa.  Tôi nghĩ bất cứ ai trong hoàn cảnh như tôi cũng không làm sao khỏi cảm động và thương cô.  Chữ “thương” ở đây không nhất thiết là tình cảm trai gái, và dù có cũng không có gì là lạ, mà là thương cái tình con người, thương sự hy sinh mà không hề đòi hỏi gì khác.  Tôi là một người tù đói khổ, tương lai chẳng biết ra sao.  Thế mà cô chọn tôi, sẵn sàng chờ tới ngày tôi được thả.  Nếu tôi không xúc động, tôi không phải là người bình thường.

Trong cách hành văn giản dị của Huỳnh Công Ánh, tình bạn trên đường chinh chiến, nhất là sau này trong các trại tù “cải tạo”, thật sự cần thiết.  Họ là những mảnh vụn của cuộc đời gom lại để sinh tồn.  Tôi nói sinh tồn chớ không phải sinh sát.  Trong những ngày tháng lao động khổ sai, bệnh tật, đói khát triền miên trên rừng núi, tù “cải tạo” phải chịu nhiều thử thách qua nhiều năm, trong khi cán bộ quản chế nhà tù lại tàn bạo với kẻ thua trận.  Cho nên không phải ai cũng biết gìn giữ nhân cách, sĩ khí như xưa.  Để chứng tỏ mình “lao động tốt, học tập tốt” hầu sớm được thả về, nhiều khi họ đã dùng thủ đoạn, mánh khóe hiểm độc để hại nhau, như Trung tá Hiền là một điển hình trong trại tù “cải tạo”.  Vì vậy, sinh tồn từ trong xiềng xích, từ dưới gót của đôi dép râu, tự nhiên cái tình của bạn đồng tù nó nói lên cho cái gì có giá trị đẹp đẽ như sát cánh, nương tựa, che chở, giúp đỡ và bảo vệ cho nhau.

Mang một tựa để tiêu biểu Vượt Tù, Vượt Biển, tập hồi ký của nhà văn Bình Định Huỳnh Công Ánh được hình thành bằng một bút pháp bình dị, khoáng đạt, hào sản và bi tráng.  Câu chuyện kể về cuộc đời thăng trầm của tác giả từ lúc đi tù Cộng sản, vượt tù, vượt biển ra tới hải ngoại là một chứng từ sống, dĩ nhiên vì là câu chuyện thực nên Huỳnh Công Ánh không thể hư cấu.  Qua đó, tác giả với lập trường kiên định, vạch rõ quan điểm chính trị vững vàng, gợi lên lý tưởng hoà bình cao đẹp, biểu lộ lòng nhân ái sâu sắc, đồng thời không quên vạch trần tội ác của chế độ Cộng sản áp đặt trên số phận người dân miền Nam và tù binh Việt Nam Cộng Hòa sau ba mươi năm chiến tranh.  Điều này cho ta thấy tập hồi ký có một giá trị của một trước tác nghệ thuật.

Huỳnh Công Ánh sinh năm 1946 tại làng Phú Kim, quận Phù Cát, tỉnh Bình Định.  Theo học các trường La San Kim Phước – Komtum, La San Bá Ninh – Nha Trang, La San Hiền Vương – Saigon và Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.  Năm 1968 nhập ngũ trường Bộ binh Sĩ quan Thủ Đức khóa 3/68, ra trường phục vụ tại Sư đoàn 22 Bộ binh, cấp bậc cuối cùng là Đại Úy.  Sau 1975 tù “cải tạo” từ Nam ra Bắc.  Vượt ngục cuối năm 1980 rồi vượt biên. Định cư tại Hoa Kỳ 1981.

Huỳnh Công Ánh là tác giả của các băng nhạc Uất Hận Ca (1981), Tiếng Mẹ Gọi (1985), Lên Đường (với Phong Trào Hưng Ca Việt Nam 1988), Thắp Lửa Tự Do (với Phong Trà Hưng Ca Việt Nam 1989), Hưng Ca Hành Khúc (với Phong Trào Hưng Ca Việt Nam), Quê Hương và Tình Ca, Những Trái Tim Rực Lửa (tập nhạc 1987), Hạnh Ngộ Bên Trời (thơ 2005),  Quẳng Gánh Lao Đoa, Giữ Nụ Cười (thơ 2010), Ơn Nghĩa Trùng Trùng (thơ 2013), Cát Bụi Lăn Trầm (thơ 2016), Vượt Ngục, Vượt Biển (hồi ký 2016).

Ngoài hoạt động văn nghệ, Huỳnh Công Ánh còn thành công về kinh tế và xã hội, được  tưởng thưởng nhiều huy chương của Quốc hội Hoa Kỳ, Đại Học Harvard, Đài CBS tại Hoa Kỳ.

Sau 41 năm mất nước, 6 năm đi tù rồi vượt tù, vượt biển đến thế giới tự do, Huỳnh Công Ánh đã có những đóng góp lớn lao vào nền nghệ thuật âm nhạc, vào đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động chính trị.  Sự nghiệp văn học của anh đã thành hình và thành công đã khởi đi từ trong lao tù Cộng sản ra tới hải ngoại, đã tạo nên tên tuổi mà mọi người đều biết:  nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh.

(trích từ tác phẩm Ngòi Viết Lang Thang-Tùy Bút của Phan Ni Tấn (2019), trang 331-336)

 

Posted in book event, book event, Huynh Cong Anh, kể chuyện, Montreal, PQ, Tù cải tạo, Uncategorized | Tagged , , , | Leave a comment

Họ Là Ai?

Kính Mời Thưởng Thức

 

Posted in Huynh Cong Anh, music, Patriotism, Remembrance, Uncategorized | Tagged , , | Leave a comment

Câu Chuyện 30-4

Posted in Patriotism, Remembrance, Uncategorized | Tagged , , , | Leave a comment

Đánh du kích …..

…..qua hồi ký Vượt tù – Vượt biển…

                                           của Huỳnh Công Ánh

 

Phạm Quang Trình

 

Tôi hân hạnh được đọc hồi ký “Vượt tù Vượt biển” của Huỳnh Công Ánh do anh gửi tặng. Anh em chúng tôi quen nhau đã lâu, có nhiều cái giống nhau. Cùng đạo Công Giáo, cùng vượt ngục, cùng vượt biên, cùng trong Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị …

Thời gian gần đây, tôi hay đọc các tài liệu liên quan đến cuộc chiến tại Việt Nam, đặc biệt là các hồi ký chính trị và chiến lược của đôi bên Quốc Cộng. Nhân khi đọc hồi ký của Huỳnh Công Ánh, tôi thấy có nhiều cái lạ, nhiều cái khác với trường hợp của tôi và của nhiều người. Khác vì xem ra cách vượt ngục, vượt biên của Huỳnh Công Ánh không như lối thường mà lại giống lối đánh du kích khiến tôi suy nghĩ mãi về cái lối đánh này.

Chuyện vượt ngục, thì nhiều người vẫn dùng cụm từ vượt ngục hay vượt thoát. Riêng chuyện vượt biên, thời gian 40 năm trước, người ta lại hay dùng cụm từ “Đánh… Đánh bãi này, đánh bãi kia… ” Đánh bãi… đúng là lối đánh du kich chứ còn gì nữa! Chữ “Đánh” hay chữ “Ăn” trong tiếng Việt xem ra rất phong phú nếu có một từ nào khác đi sau. Vậy nên tôi mạo muội viết ít hàng về lối đánh du kích này để hầu chuyện quý độc giả.

Trước khi đi vào đề tài chính, xin phép điểm qua vài nét về Du Kích Chiến.

 

Du kích chiến là gì?

 

Du kich chiến hay chiến tranh du kích thuộc chiến tranh bất quy ước với lực lượng quân sự nhỏ và yếu hơn, cơ động hơn áp dụng đối với kẻ thù lớn mạnh hơn và kém cơ động hơn. Lối đánh du kích bao gồm các cuộc phục kích, phá hoại, đánh bất ngờ, chớp nhoáng và rút lui nhanh.

Du kích là từ Hán-Việt gồm hai từ: DU là từ nơi này sang nơi khác; KÍCH là đánh hay tấn công. Du kích chiến là chiến tranh đánh bằng lối di động với đơn vị nhỏ đối với lực lượng lớn của địch. Du kích chiến cũng là lối đánh của kẻ yếu đối với kẻ mạnh. Yếu đánh thắng mạnh là nhờ lối đánh du kích.

Du kích chiến đã có từ lâu, từ bao thế kỷ ở nhiều quốc gia. Người ta nhắc đến du kích ở Tây Ban Nha (Guerilla welfare), du kích bên Nam Mỹ với Ché Guevara, bên Nga có tổ sư Lenin, Tầu có Mao Trạch Đông, và Việt Nam thế kỷ trước có Đề Thám ở Rừng Yên Tế, Nguyễn Thiện Thuật hay Tán Thuật ỡ Hải Dương, vân vân và vân vân. Trong số những Binh pháp gia viết về chiến tranh du kích có lẽ Mao Trạch Đông là nhân vật nổi bật nhất. Tại sao? Vì Mao là cha đẻ của Chiến pháp Chiến Tranh Cách Mạng. Vậy chiến pháp đó là gì?

 

Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao Trạch Đông bắt đầu từ hai luận đề:

Luận đề 1: Phân biệt Chiến Tranh Cách Mạng và Chiến Tranh phản Cách Mạng

Luận đề 2: Quan niệm Mác xít về Chiến Tranh và Chính Trị.

Sau khi phân biệt chiến tranh cách mạng và Chiến trang phản cách mạng, Mao nhấn mạnh về tương quan giữa Chiến tranh và Chính trị. Mao chịu ảnh hưởng rõ rệt quan điểm của Clausewitz (chiến Pháp gia Đức) qua câu nói: “Chiến tranh là sự kế tục của Chính trị” nhưng Mao đi xa hơn Clausewitz theo quan điểm Mác xít về đấu tranh thường trực qua câu nói nổi danh: “Chiến tranh là Chính trị đổ máu và Chính trị là Chiến tranh không đổ máu”.

Từ hai luận đề nói trên, Mao khai triển vào thực tế, (tất nhiên không ngoài Binh Pháp của Tôn Tử và 10 nguyên lý chiến tranh). Theo Mao, Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng bao gồm 3 giai đoạn chiến lược:

  • Gia đoạn (1): Phòng Ngự
  • Giai đoạn (2): Cầm Cự
  • Giai đoạn (3): Tổng Phản Công.

Khởi đầu là Giai đoạn Phòng Ngự phải áp dụng Du Kích Chiến. Du Kích là đơn vị võ trang lấy nông thôn hoặc rừng núi làm cứ điểm. Muốn tồn tại, phải bám lấy dân. Cho nên Mao đề ra phương châm 3 bám: (1) Chi bộ bám du kích, (2) Du kích bám dân, (3) Dân bám đất, trong đó “Quân Dân như Cá với Nước”. Về mặt trận địa thì Căn cứ địa phải ở Vùng rừng núi giáp biên giới nước khác để dễ ẩn núp và dễ đào thoát khi bị truy kích. Đó là nói về Du Kích chiến theo Chiến Lược (vì Du Kích Chiến là một giai đoạn chiến lược của Chiến Tranh Cách Mạng). Còn về chiến thuật thì Lâm Bưu đã khai triển thêm qua phương châm “Tứ khoái, nhất mãn” (Bốn nhanh, một chậm). Bốn nhanh là: di chuyển nhanh, tấn công nhanh, giải quyết chiến trường nhanh, rút lui nhanh. Còn một chậm là: chuẩn bị chậm.

Mao có làm bài thơ về lối đánh của du kích như sau:

 

Khi địch tiến, ta lui

Khi địch đánh, ta né

Khi địch ngừng, ta quấy

Khi địch lui, ta đuổi

 

Lối đánh du kích là lối đánh của kẻ yếu đánh kẻ mạnh mà vẫn thắng, dùng đơn vị nhỏ của Ta đánh đơn vị lớn của Địch, bám dai như đỉa đói nhưng rất lợi hai. Khởi sự đấu tranh khi lực lượng quân sự còn nhỏ thì phải áp dụng lối đánh này. Từ nhỏ đi tới lớn. Từ Du kích chiến (giai đoạn Phòng Ngự) sẽ tiến dần lên Vận động chiến, Cường tập chiến, Bôn tập chiến, Công kiên chiến (giai đoạn Cầm Cự) và cuối cùng là Trận địa chiến (giai đoạn Tổng Phản Công). Giai đoạn Du kích chiến phải khởi sự từ Nông thôn và Rừng núi là nơi có địa thế hiểm trở dễ làm chỗ ẩn núp an toàn cho du kích và lấy Nông dân làm lực lượng chính. Nông dân sống ở đồng ruộng, rừng núi, quen biết địa thế. Họ vừa làm Du kích, vừa làm nông dân lao động, che chở cho Du kích. Vì Du Kích là lực lượng Quân sự nên Chi bộ là Đảng phải bám vào (chỉ huy) Du kích. Du kích phải bám Dân và Dân bám Đất. Nói như thế thì vai trò của Chi bộ Đảng rất quan trọng.

Ở đây cần nhắc đến quan niệm của Lenin về Cách Mạng: “Không có lý luận cách mạng thì không có Đảng cách mạng. Không có Đảng cách mạng thì không có Cách mạng” (L’État et là Révolution 1917).

Theo Chiến pháp CTCM của Mao thời trong giai đoạn đầu, phải lập căn cứ địa ở vùng rừng núi để “Lấy rừng núi kiếm chế nông thôn và lấy nông thôn bao vây thành thị”.

Khi Mao Trạch Đông và phe Đảng thực hiện cuộc Vạn Lý Trường Chinh từ Hoa Nam kéo về Diên An chính là lúc Đảng Cộng Sản Trung Hoa bắt đầu đổi Chiến Lược dưới sự lãnh đạo của Mao. Thực hiện Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao thâu đạt thắng lợi cho phe Cộng Sản tại Trung Hoa bắt đầu từ đó. Cũng từ thắng lợi này, các Đảng Cộng Sản trong các nước chậm tiến Á Phi và Châu Mỹ La tinh noi gương, học hỏi Mao và Hồng Quân, cố gắng du nhập và thực hiện Chiến pháp Chiến tranh Cách mạng cho vùng của mình nhằm phát động đấu tranh nhuộm đỏ thế giới.

Khi đọc hồi ký “Vượt tù, Vượt biên…”  của Huỳnh Công Ánh, người viết thấy cách ứng phó của tác giả trước sự việc xẩy ra trong cơn nguy kịch na ná như lối đánh du kích. Mà lối đánh du kích này thời ngoài bài bản về chiến thuật, người hành động phải có mưu trí và gan dạ. Tức là phải thông minh, khôn khéo, biến báo, lanh lợi, can đảm, bình tĩnh đến lì lợm không biết sợ. Nói chung là đa năng và bản lãnh.

Những yếu tố cơ bản này xem ra Huỳnh Cộng Ánh hầu như có đủ. Có đủ không có nghĩa là đã có sẵn mà phải là được tôi luyện qua những thử thách trong cuộc sống. Huỳnh Công Ánh khi ra đời đã lăn lộn ở nhiều môi trường. Từ chiến tranh đến tình cảm và thương mại. Nói cho văn hoa là: Thương trường, Tình trường và Chiến trường. Lăn lộn qua ba môi trường này đã tạo cho Huỳnh Công Ánh thành con người dạn dĩ, đa tài từ nghệ thuật (Nhạc thơ ca – Nhạc sĩ, văn thi sĩ) đến chiến thuật (Đại Đội Trưởng Trinh Sát).

 

Huỳnh Công Ánh được tôi luyện như thế nào?

 

– Thứ nhất: làm con nuôi. Huỳnh Công Ánh may mắn được Bà cô Tư (Hồi Ký trang 300) nhận làm con nuôi cho vào học trường La San tại Kontum một thời gian dài. Khi đậu Tú Tài II, Huỳnh Công Ánh được làm Thư ký cho một vị thầu khoán. Từ đây Huỳnh Công Ánh đã may mắn được một vị Thiếu Tá Công Binh chuyên phụ trách xây dựng Trại Gia Bình “để ý” giúp “làm ăn” chở đồ và bỏ hàng. Cái dịch vụ “chở hàng” bở béo này mở đầu cho Huỳnh Công Ánh tập đánh du kích trên thương trường. Dĩ nhiên là phải gan dạ, dám làm và dám chịu. Ở tuổi 19 ở Việt Nam vào thời giữa thập niên 60 mà Huỳnh Công Ánh đã là một triệu phú phải nói là một kỳ công, hiếm có trên đời.

– Thứ hai: từ thương trường qua tình trường (Định Mệnh Trái Ngang, Hồi Ký trang 315) đi dạy kèm con nhà giàu. Đẹp trai, học giỏi, số đào hoa nên Huỳnh Công Ánh như một Thanh Gươm giữa chốn “Rừng hoa” (hai chị em Ngọc Thạch và Cẩm Thạch nhà ở đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn). Rồi lại thêm một bông hoa vườn nhà nữa là cô Y tá tên Đức vừa dễ thương vừa hiền hậu. Người tài ba và đào hoa dĩ nhiên cũng rất đậm đà trong tình cảm. Bởi đó, có một ngày, chàng nghệ sĩ tự hỏi lòng mình:

 

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu….

(Xuân Diệu: Vì sao?)

 

– Thứ ba: thử lửa. Nhưng khổ nỗi, thay vì suy tính cho kỹ để quyết định với bài bản “đánh du kích” khi đưa ngươi đẹp hiền hậu lên Pleiku để thay đổi không khí buồn tẻ ở quê hương Bình Định, chàng ta quên ngay hay chưa thuộc bài bản “Tứ khoái nhất mãn” của Lâm Bưu! Tai hại là chỗ đó. Tứ khoái là “Di chuyển nhanh, tấn công nhanh, giải quyết chiến trường nhanh, rút lui nhanh” và một chậm “Chuẩn bị chậm”. Có lẽ Huỳnh Công Ánh quên “chuẩn bị” nên mới xẩy ra “Sự cố!” Thật ra lúc đó, HCA chưa nhập quân trường Thủ Đức và chưa học “chiến thuật phục kích đêm”. Bởi đó, chuyến đi tưởng là văn nghệ bình thường đó bỗng đâu trở thành “định mệnh ngang trái”. Để rồi, chỉ một ngày nghỉ đêm trên cao nguyên thơ mộng, và hai tháng sau, chàng nghệ  giật mình nhin lên trời than thở:

Gió đưa cành trúc sau…  hè…

Dỡn chơi một tí… một tí… í a… ai dè .. ai dè… mà  có … c o o   n

Đó mới chỉ là “dạo khúc” (prelude) cho trận chiến giữa Hai Gọng Kìm! Hai gọng kìm đó là Cẩm Thạch và Cô Y tá Đức.

Một ngày Chúa Nhật tại khu Tiếp Tân tân binh Khóa 3/68 gọi là Vườn Tao Ngộ   Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Cô y tá Đức từ Quy Nhơn vào thăm chàng nghệ sĩ. Thấy Đức mệt và bầu đã to, Huỳnh Công Ánh liền đưa Đức vào Câu Lạc Bộ an ủi vỗ về, hứa hẹn sẽ lo cho mẹ tròn con vuông. Nào ngờ, giữa lúc đang tìm lời an ủi thì trên  loa phóng thanh gọi khóa sinh Huỳnh Công Ánh ra khu Tiếp Tân vì có người nhà đến thăm. HCA tâm sự:

“Tưởng đâu là bà cô Tám hay mấy đứa em họ họ ờ Sàigòn lên thăm, tôi bảo Đức ngồi chờ và bươn bả chạy đi. Tại phòng trực tiếp tân là Cẩm Thạch, nàng diện một bộ jupe xanh, tóc uốn ngắn, trẻ trung hơn bao giờ hết, tay mang giỏ quà nặng. Thấy tôi nàng vội vã tươi cười chạy đến. Chúng tôi nắm chặt tay nhau. Giá mà không có ai nhìn, có lẽ nàng đã ôm chầm lấy tôi.

Thật lúc đó, tôi không có phản ứng gì và không biết xử trí làm sao, vui mừng thì dĩ nhiên, nhưng rồi cũng thấy buồn, thấy khốn đốn… Ngày Chủ Nhật, Vườn Tao Ngộ của Quang Trung, nơi hàng nghìn khóa sinh được gia đình thăm viếng, tạo nên những cảnh nhộn nhịp vui tươi, cho người được thăm lẫn người đi viếng, thì riêng tôi như người ngồi trên đống lửa” (trang 320-321)

Đúng là chàng nghệ sĩ hết hồn, vì ngồi trên đống lửa. Cứ nước này thì giá như kẻ viết hay một người nào khác có lẽ phải đánh lá bài “Tẩu vi thượng sách” vì hai gọng kìm đang giương ra khép lại. HCA tâm sự tiếp:

    ” Trong một ngày như hôm nay, nhiều khóa sinh có thân nhân ở xa, không ai thăm viếng, buồn bã nằm nhà, hay đi lang thang nhìn hạnh phúc của người khác mà… thèm. Còn tôi, tôi đâu có ngờ, giữa Vườn Tao Ngộ hôm nay lại xẩy ra một trận “tao ngộ chiến” giữa hai người đẹp, mà một bên là người vợ sắp cưới và trách nhiệm mới của mình, một bên là ngưòi tôi yêu, ngây thơ, đẹp đẽ và giấc mơ trăm năm hạnh phúc đang chờ đợi tôi… hỏi cưới. …” 

Huỳnh Công Ánh ruột rối như tơ vò, đưa Cẩm Thạch đi vòng qua một Câu Lạc Bộ khác…

Huỳnh Công Ánh giải quyết làm sao trận “tao ngộ chiến” mà chàng nằm giữa hai gọng kìm đang khép lại để thoát khỏi vòng vây? Xin mời độc giả tìm đọc Hồi ký Vượt tù Vượt biển trang 322-323.

 

Đánh du kích trong tù để thoát tù

 

Là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thuộc sư đoàn 22BB Đại Đội Trưởng Trinh Sát, từng được Sư đoàn chọn là Chiến Sĩ Xuất Sắc (CSXS) là Đại Diện cho Sư Đoán về tham dự Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1972 tại Sàigon. Huỳnh Công Ánh là một trong 39 quân nhân trong số 300 CSXS  đại diện cho các Sư Đoàn, Tiểu Khu và Quân Chúng, được tham dự chuyến viếng thăm Đài Loan. Phái đoàn này do Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm, Tư lệnh Sư đoàn 22BB, sư đoàn của HCA làm Trưởng Phái Đoàn.

Trong Ngày Quân Lực 19/6 phái đoàn được các thiếu nữ xinh đẹp của thủ đô choàng vòng hoa chiến thắng và hân hạnh ngồi trên khán đài danh dự với Tổng Thống, Chính Phủ, các Tướng Lãnh và Ngoại Giao Đoàn để dự lễ duyệt binh trên Đại Lộ Thống Nhất.

Phái đoàn CSXS được hướng dẫn đi thăm Nghĩa Trang Biên Hòa, đặt vòng hoa tại Nghĩa Dũng Đài để tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh.

Ngoài buổi dạ tiệc tiếp đón tại Phòng Khánh Tiết Dinh Độc Lập do TT Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân chủ toạ, nhiều buổi tiếp tân tại các nhà hàng khác do các viên chức , đoàn thể và đơn vị tại Thủ đô tổ chúc rất long trọng như: Thượng Nghị Viện, Hạ Nghị Viên, Nghị Viên Đô Thành Sài Gòn – Chợ Lớn, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị khoản đãi.

Sau ngày Quân Lực 19/6, Huỳnh Công Ánh trở về đơn vị. Lúc đó chức Đại Đội Trưởng Trinh Sát đã do một sĩ quan khác chỉ huy, nên Huỳnh Công Ánh được cử nắm chức Tiểu Đoàn Phó một thời gian, sau được Trung Đoàn Trưởng Nguyễn Thành Danh rút về coi hậu cứ của Trung Đoàn. Ở hậu cứ của Trung Đoàn 40 chưa được bao lâu thì ngày 17 tháng 3- 1975, Buôn Mê Thuột thất thủ. Lệnh “Di tản chiến thuật” được ban ra, thế là các đơn vị quân đội cứ rút, rút dần, rút dần về phía Nam tới Vùng 3 đến ngày 30-04-1975 Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Quân Lực VNCH theo lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, tự bỏ súng xuống và tan hàng rã ngũ. Tất cả thành phần Dân Quân Cán Chính VNCH thuộc tầng lớp chi huy (theo chỉ thị thông cáo) được lệnh trình diện đi học tập cải tạo. Huỳnh Công Ánh mang cấp bậc Đại Uý cũng phải đi trình diện học tập 10 ngày được chờ đến Long Thành, sau một thời gian, lại được chuyển tới Long Giao. Tưởng là học tập 10 ngày rồi sẽ được thả về nào ngờ mấy năm “cải tạo” vẫn chưa thấy gì. Và cuối cùng tù được chuyển ra miền Bắc.

Ở Miền Bắc, chế độ tù đày rất khắt khe. Bị đàn áp, đói khổ, lao động quá sức, bệnh tật… khiến cái chết cận kề…

Biết vì ngây thơ trình diện đi học tập là một cái lầm khủng khiếp thì đã quá muộn. HCA muốn vượt ngục và bằng mọi cách phải vượt ngục. Nhưng khi còn ở trong Nam qua cái gương Lê Đức Thịnh (bị tử hình) và Nguyễn Ngọc Giàu vượt ngục thoát thời ý định vượt ngục của HCA khựng lại. Bây giờ bị đưa ra miền Bắc thì biết làm sao với muôn vàn bất trắc. Nhưng con người có số. Số Huỳnh Công Ánh tuy có sui, nhưng cũng có lúc hên. Sui vì bệnh hoạn. Hên vì gặp quý nhân giúp đỡ. Quyết định Vượt Tù ở K1 Hà Tĩnh (trại Tân Kỳ) là một quyết định đúng đắn. Nơi đây, Huỳnh Công Ánh đẵ gặp quý nhân. Đó là tù nhân hình sự Nguyễn Đình Chiến và người đẹp thôn nữ Trần Thị Hoa.

May rủi là chuyện xẩy ra thường tình trong đời người. Có cơ hội tốt chưa đủ mà còn phải biết sử dụng đúng cách và khoa học. Nếu không biết sử dụng thì cơ hội qua đi. Người ta vẫn nói: “Hoạ vô đơn chí – phúc bất trùng lai.” Họa thì nhiều mà may thì ít. Phúc ít khi đến lần thứ hai. Họa thì đến liên miên, không biết đâu mà tính. Người biết sống và sử sự thế nào tránh được cái sui, cái rủi và biết sử dụng cơ hôi may phải là người có mưu trí và bản lĩnh. Trên đời này thiếu gì người gặp may mà không biết năm bắt sử dụng thì cơ may sẽ qua đi, biết khi nào có cơ may sẽ đến?

Như đã nóí trên, HCA được tôi luyện qua nhiều môi trường từ “Thương trường, tình trường đến chiến trường” nên khi được chuyển đến trại Tân Kỳ đúng là có cơ may để thực hiện ý định vượt thoát.

Ở trên, người viết có nói qua về du kích chiến thì Tân Kỳ là “chiến trường thuận lợi” để Huỳnh Công Ánh thi thố tài năng đánh du kích. Dĩ nhiên chiến sĩ du kích phải biết nhận định tình hình, đặt kế hoạch, bố trí nhân sự và đánh chính xác mới được.

– Cơ may thứ nhất cho Huỳnh Công Ánh là được chuyển về trại Tân Kỳ “K1 Hà Tĩnh”.  Nơi đây HCA đã trổ tài Văn Nghệ gây được thiện cảm của nhiều người, trong đó cán bộ.

– Cơ may thứ hai là gặp được người tù hình sự Nguyễn Đình Chiến. Nguyễn Đình Chiến là một trong những tù hình sự được gửi về Tân Kỳ để coi tù chính trị. Là người quý mến HCA nên NĐC đã không ngần ngại bày tỏ thiện cám và đưa ra đề nghị táo bạo (vượt ngục) khiến HCA giật mình sợ rằng sẽ bị gài bẫy. Nhưng qua thử thách khi gặp vợ HCA và đưa HCA ra gặp vợ ở ngoài bìa rừng. Bị tên Hiền phát hiện tố cáo, NĐC đã can đảm và lì lợm chối bay dủ bị cán bộ dùng chìa khóa đánh vào mặt hộc cả máu mồm. Qua biến cố này HCA đã đặt tin tưởng vào NĐC.

– Cơ may thứ ba là gặp cô thôn nữ Trần Thị Hoa. Trần Thị Hoa là một thôn nữ trẻ đẹp tại địa phương, mới 18 tuổi, nhà ở gần lò gạch của trại giam. Nhờ những buổi trình diễn của tù “cải tạo” do Trại đã tổ chức giúp vui cho dân địa phương trong vùng nên nàng thôn nũ đem lòng cảm mến, rồi yêu thương chàng nghệ sĩ HCA.

– Cơ may thứ tư là HCA được vợ thăm nuôi dồi dào. Nhờ có quà cáp nên HCA đã khéo lấy được lòng cán bộ cũng như các bạn tù khác.

Nhờ 4 cơ may trên, Huỳnh Công Ánh đã khai thác thật đúng mức và khoa học để rồi một ngày ĐÁNH DU KÍCH thật ly kỳ, nhờ phương châm ba bám “Chị bộ bám du kích – Du kích bám dân – Dân bám đất”. Kết quả, Huỳnh Công Ánh thằng lợi vẻ vang cùng với “người em tâm phúc” Nguyễn Đình Chiến. Chuyện đánh thật hồi hộp gay cấn, đầy nguy hiểm là nhở HCA thuộc bài bản và nhất là nhờ mưu trí và bản lãnh. Xin mới đọc giả mở coi Hồi Ký từ  trang 129 đến 196.

 

Trong chiến tranh thường có hai phe: TA và ĐỊCH. Nhưng đôì khi lại có  BẠN tức là đồng minh. Cho nên vô trận chiến là phải biết khai thác tối đa để tạo sức mạnh. Tất cả không ngoài 10 nguyên lý chiến tranh. Trong trận đánh du kích “Vượt tù…” có cả ha, ba yếu tố tùy từng giai đoạn. Xông pha chiến trận là phải biết áp dụng 10 nguyên lý chiến tranh đó để thành công.

 

Đánh du kích Vượt biển để tìm tự do

 

Sau khi thành công trong cuộc vượt ngục, “tử tội” Huỳnh Công Ánh phải kiếm đường vượt biên. Vượt ngục đã khó mà vượt biên xem ra còn khó hơn. Vì sao? Vì  ở tù, Huỳnh Công Ánh nắm vững tình hình và hầu như chủ động trận chiến dù mình là tên tù khổ sai. Vả lại còn ở tù thì với thân phận tên tù khổ sai, không phải lo bắt bớ, truy nã như sau khi vượt ngục. Ở tù, không sợ địch như khi đã vượt ngục ra ngoài. HCA khi đã ra ngoài thuộc loại “tứ cố vô thân” hiểu theo nghĩa nào đó. Chổ nào cũng có địch và chỗ nào cũng có thù. Chỗ nào cũng đáng nghi ngờ. Chỗ nào cũng đáng sợ.

– Chuyến vượt biên thứ nhất: do người nhà liên hệ với nhóm tổ chức. Nhóm tổ chức là người chủ động. Họ toàn quyền hành động theo kế hoạch của họ đã vạch ra. Huỳnh Công Ánh, và đứa cháu cũng như trên 30 khách hàng thụ động hoàn toàn, được chở ra ghe vượt biên, được cho xuống hầm ghe, nằm im để cho người tài công chủ động lái ghe ra biến.

Thời đó, như đã nói trên, chuyện vượt biên đưọc mang danh hiệu mới là Đánh… Đánh bãi này… Đánh bãi kia… Đánh  thắng thì thoát. Đánh thua là về ngồi tù. Có khi trên đường vượt biển, còn bị công an biên phòng bắt giữ, cướp đoạt tài sản và tống vô tù, Có khi gặp hải tặc Thái Lan cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ, vân vân và vân vân. Nói chung là phải đương dầu với muôn kẻ thù: nào là Công an biên phòng, nào là hải tặc, nào là nạn “can me”, nào là sóng biển … Nghĩa là “tứ bề thọ địch”. Khủng khiếp lắm! Hầu như người nào vượt biên một lần qua sóng biển… khi nhìn lại cũng thấy hoảng hổn. Khổ nỗi là Cộng Sản là kẻ thù tệ hại nhất trên mọi thứ kẻ thù nên người dân Việt mình bằng mọi giá, mọi cách phải trốn thoát bất kể những nguy hiểm đến tính mạng.

Vượt biên là một trận đánh… Nhưng chuyến vượt biên này, nhóm tổ chức đánh trật lất….  Huỳnh Công Ánh nhận thấy, sau khi ghe ra biển được một hai ngày, người tài công tỏ ra “loặng quặng”. HCA hỏi ông ta thì ông ta bảo ông lái ghe nhìn vào các đỉnh núi mà đi. Ông ta không có địa bàn mà cũng không biết tìm phương hướng, thế thì nguy to rồi. HCA bắt đầu lo, và tìm cách lái phụ người tài công… Khi nhìn xa xa thấy có hòn đảo, tưởng là đảo của Thái Lan, ghe vượt biên tiến vào… Thấy vài người đứng trên bở, người tài công nói vài câu tiếng Miên… Bất ngờ có tiếng nói từ trên bờ: “A! ghe của bọn vượt biên”. HCA hoảng hồn bào tài công quay lẹ mũi ghe và lái thật mau ra khỏi đảo. Vừa đi được một khoảng không bao xa thì có ghe nhỏ của Bộ Đội tử đảo phóng ra đuổi theo bắn súng chặn lại. Trong thế củng HCA nắm quyền chỉ huy, chủ động lái ghe…. Qua qua bao đoạn đường rượt đuổi kinh hoàng, khi ghe của mấy tên bộ đội đã tới gần như muốn ép sát thời HCA nhanh tay cho ghe vượt biên quay ngược lại. Ghe của mấy tên bộ đội lao tới, bất ngờ mũi ghe của tụi chúng đâm bổ vào sườn nghe vượt biên thế là ghe của chúng lật nhào chìm ngay xuống biến. Ba tên bộ đội lăn lộn ngụp lặn dưới sóng nước mà một tên còn cố giơ súng bắn thêm một phát rồi cả lũ chìm lỉm luôn.

Vẫn chưa hết… Ghe vượt biên tiếp tục chạy theo hướng Tây rồi gặp cướp biển, hải tặc Thái Lan, và sau cùng gặp ghe đánh cá quốc doanh. Cái nguy trước mặt không phải cho ghe vượt biên và đám người vượt biên nhưng là cho chính Huỳnh Công Ánh. Một suy nghĩ nhanh chóng trong giây lát đã giúp HCA có một quyết định táo bạo, liều lĩnh, nhưng sàng suốt và đầy quả cảm. Khi ghe vượt biên được ghe đánh cá quốc doanh ròng dây kéo vào gần đến bờ thì liền cắt dây để mặc ghe vượt biên sẽ bị Công An biên phòng bắt giữ. HCA liền nhẩy xuống biển và mau mắn nắm được mối dây leo lên ghe đánh cá quốc doanh vùi mình ẩn náu trong đám lưới. Đúng, lúc ấy HCA nghĩ rằng nếu vô bờ thì bọn Công An sẽ khám phá ra HCA là tên tù vượt ngục, chắc chắn sẽ bị tử hình!

 

 Thất bại là mẹ đẻ của thành công

 

Quyết định táo bạo nhẩy xuống biển nắm vào đầu dây để lên leo nghe quốc doanh là quyết định vô cùng sánh suốt. Sáng suốt vì tránh được Công An bắt giữ. Và không ngờ quyết định giúp cho HCA được gặp may: lại có quý nhân phù trợ. Quý nhân đó là Trung Sĩ Nhẩy Dù tên CHO. (Hồi ký trang 223)

Số là như thế này. Ghe quốc doanh gồm 7 người, trong đó 6 là bộ đội phục viên (đã giảì ngũ) và một người tên là Cho nguyên là Trung Sĩ Nhẩy dù thuộc QLVNCH.  Sau một đêm chui vào đống lưới ngủ mê mệt trên sàn ghe, một tiếng động mạnh, HCA mở mắt, nhìn ra thấy môt thanh niên vạm vỡ, liên ngồi dậy năn nỉ…

Qua sự trao đổi, người thanh niên tên Cho biết HCA là sĩ quan QLVNCH, cấp bực Đại Uý của Sư Đoàn 22BB. Cho gọi HCA là “ông thầy” cho biết anh ta là Trung Sĩ Nhẩy Dù. Nhờ có bố vợ là cán bộ tập kết ra Bắc, nay trở lại làm Tỉnh Uỷ đã giới thiệu Cho làm tầu đánh cá quốc doanh. Và Cho hứa giúp đỡ. Cuộc đối thoại thật li kỳ hấp dẫn.

Huýnh Công Ánh được quý nhân phù trợ và Trung sĩ Cho trở thành là người em “ân nghĩa” giúp đở rất nhiều cho HCA để chuẩn bị cho chuyến vượt biên lần thư hai.

Như đã nói về lối Đánh du kích… Lần thứ nhất thất bại vỉ HCA không chủ động và không làm chủ tình hình. Cho đến khi nhờ sự mưu trí, biến báo gan dạ  của chiến sĩ du kích mà HCA bất đắc dĩ phải nắm quyền chủ động khi gạt ông tài công của ghe vượt biên ra một bên rồi lái ghe quay mũi lại làm cho ghe của mấy bộ đội lật nhào chìm lỉm kéo theo cả bọn xuống biển!

Quyết định thứ hai là nhẩy xuống biển, bám vào sợi dây, leo lên tàu quốc doanh và may mắn gặp được quý nhân phò trợ: Trung sĩ Nhẩy Dù tên CHO.

Đó cũng là lối đánh du kích mà HCA khai triển trong giới hạn nhờ mưu trí và sự gan dạ đã được tôi luyện qua bao thử thách.

 

Chuyển vượt biên lần thứ hai: thành công mỹ mãn

 

Qua những kinh nghiệm đầy xương máu từ chuyện vượt ngục đến vượt biên lần thú nhất này đã giúp cho HCA có một trận đánh tuyệt vời là vượt biển lần thứ hai thành công mỹ mãn:

– Thành công mỹ mãn vì chủ động

– Thành công mỹ mãn nhờ nắm vững được tình hình và chiến thuật đánh du kích

– Thành công vì nắm chắc phần thắng mới đánh

Chuyến vư5ơt biển này được tổ chức quy mô, có kể hoạch, có bài bản, có chuẩn bị kỷ càng, đầy đủ. Tóm lại thực hiện đúng “chủ trương ba bám”, thuộc làu phương châm “Tứ khoái nhất mãn” của Lâm Bưu và chiến thuật du kích của Mao Trạch Đông. Thuộc bài chưa đủ mà là biết áp dụng, biết thực hiện qua 10 nguyên lý chiến tranh.

Xin chúc mừng Huỳng Công Ánh và cả đoàn tầu Vượt Biên.

 

San Jose ngày 18 tháng 5 năm 2020

Phạm Quang Trình

 

                                         Bia sach

Posted in Binh Luan, book event, Huynh Cong Anh, kể chuyện, Uncategorized | Tagged , , , , , | Leave a comment

Gởi Người Đồng Nghiệp Trẻ

Cơn đại dịch Covid19 đã tạo ra bao cảnh tang thương trên khắp thế giới.  Không dân tộc nào, sắc dân nào, địa lý nào ngăn ngừa được Corona Virus.

Trước bao cảnh tang thương, một vị y sĩ đã chạnh lòng khi nhìn thấy người đồng nghiệp trẻ đang phấn đấu với đại dịch và đã có đôi lời Gởi Người Đồng Nghiệp Trẻ.  Xin mời quý vị xem:

 

THƠ GỬI NGƯỜI ĐỒNG NGHIỆP TRẺ – Trang Châu – TO A YOUNG COLLEAGUE Translated by Dang Vu Vuong M.D.

Posted in Uncategorized | Tagged , , , | Leave a comment

Nỗi Đau Vũ Hán – Kính Mời Thưởng Thức

Posted in music, Uncategorized | Tagged , , | Leave a comment

Nhạc phẩm sáng tác cho Coronavirus

Trong lúc thế giới đang rúng động vì nạn vi khuẩn Corona, một vài nghệ sĩ ngoại quốc như  Dua Lippa, JoJo, Neil Diamond đã tìm cách sửa lời các ca khúc của mình để thêm corona vào đâu đó.  Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh của ta sáng tác cả một ca khúc mới về Corona Virus.  Kính mời quý vị thưởng thức.

 

Posted in music, Uncategorized | Tagged , , , | Leave a comment

Hạnh Ngộ Bên Trời

Kính Mời Theo Dõi phần tâm tình của Huỳnh Công Ánh

Posted in Huynh Cong Anh, kể chuyện, Tho / Poetry, Uncategorized | Leave a comment